top of page

Hướng dẫn chọn mua dù lượn cho phi công mới

Khi đã là một phi công dù lượn, có dù riêng sẽ giúp các bạn chủ động hơn trong luyện tập và bay lượn, bay quen với một cánh dù của mình sẽ giúp phi công đẩy nhanh quá trình phát triển kỹ năng hơn so với việc sử dụng nhiều cánh dù khác nhau. Vậy thì, mua dù gì bây giờ?



Là một dealer, một huấn luyện viên, tôi thường được các bạn phi công mới hỏi ý kiến, kinh nghiệm khi họ mới mua dù. Kinh nghiệm lựa chọn dù của tôi lần lượt như sau “Chọn đúng loại dù -> Chọn đúng cấp dù -> Chọn đúng size dù -> Chọn màu sắc, thiết kế, thương hiệu tương ứng với ngân sách mua sắm”.

- Chọn đúng loại dù: Theo Flying Bubble, website có rất nhiều bài viết bổ ích về trang thiết bị dù lượn, có thể chia ra các loại dù như sau: Dù đầu tiên, dành cho phi công mới (First Wings), Dù dành cho phi công đã có chút kinh nghiệm (Progression Wings), Dù hiệu năng cao (Performance Wings), Dù bay đường trường (XC Wings), Dù dành cho phi công kinh nghiệm (Advanced Wings), Dù thi đấu (Competition Wings), Dù nhẹ (Lightweight Wings), Dù size nhỏ (Mini Wings), Dù tốc độ cao (Speed Wings), Dù biểu diễn, nhào lộn (Acro Wings), Dù đôi (Tandem Wings), Dù bay có động cơ (Paramotor Wings). (chi tiết cụ thể xem ở https://flybubble.com/blog/choose-the-right-paraglider). Trong đó các loại dù Performance, XC, Advanced, Competition, Mini, Speed, Acro, Tandem không dành cho phi công tập sự. Dù Lightweight được thiết kế sử dụng vật liệu nhẹ do đó sẽ kém bền hơn so với dù thường. Dù Paramotor được thiết kế khác so với dù Paragliding, nếu không hướng tới bay paramotor thì không nên mua. Đừng nghĩ rằng các dù thuộc loại First Wings chỉ dùng để tập và bay thời gian mới chập chững, các dù này hoàn toàn có thể bay XC hoành tráng. Ví dụ 1 con Deck, dù EN-A cơ bản nhất của Triple Seven (http://777gliders.com/content/deck) đã có chuyến bay 142km tại Đức (https://www.xcontest.org/world/en/flights/detail:UlrichSchmeck/10.06.2017/10:26). Các dù thuộc nhóm Progression như Nova Prion4 cũng được thiết kế dành cho các phi công mới, nhưng hướng tới bay lâu bay cao và bay xa, bạn có thể sử dụng lâu dài.

- Chọn đúng cấp độ dù: Dù lượn được làm bằng vải mềm và được bơm căng lên bằng không khí, trong quá trình bay, nếu gặp các dòng không khí nhiễu động có thể gây mất áp lực, sụp dù. Cấp độ dù đánh giá phản ứng của dù khi gặp sự cố, cấp độ dù càng cao càng yêu cầu phi công có kinh nghiệm, xử lý đúng chính xác. Trên thế giới phổ biến 3 loại cấp độ dù: CEN, DHV, AFNOR. (chi tiết cụ thể xem ở: http://www.eagleparagliding.com/?q=node/66). Với phi công tập sự, cấp dù nên sử dụng là EN-A (DHV 1) hoặc Low EN-B (DHV1-2), sau khi đã có thêm kinh nghiệm.

- Chọn đúng size dù: Size dù giống như size quần áo vậy, người nặng cân hơn sẽ bay dù size lớn hơn, người nhẹ cân hơn sẽ bay dù size nhỏ hơn. Mỗi hãng dù sẽ có dải cân chuẩn tính theo kg cho từng cánh dù. Ví dụ ở hình dưới là dải cân của dù Icaro Pandion (http://icaro-paragliders.com/en/products/gliders/pandion/) có các size XS (55-75), S (65-90), M (80-105), L (90-115), XL (100-130).

Cách chọn dù đúng cân là lấy tổng cân nặng của bạn cộng với 15kg (tổng trọng lượng của thiết bị bạn sẽ mang theo khi bay, bao gồm cả dù, đai, quần áo, etc… còn gọi là take-off weight), nếu tổng này nằm ở khoảng 40% tới 70% dải cân của dù là phù hợp. Ví dụ Pandion size S (65-90) sẽ phù hợp nếu tổng trọng lượng của phi công và thiết bị từ 75kg-82.5kg. Như vậy phi công từ 60kg - 67.5kg là phù hợp. Nếu bay nhẹ hơn dải cân của dù, dù sẽ bay chậm và kém linh động so với thiết kế, nếu bay nặng hơn, dù sẽ bay nhanh hơn so với thiết kế và độ nâng kém hơn. Mỗi hãng dù, mỗi cánh dù sẽ có dải cân tối ưu, nếu có thể hãy liên hệ với đại diện của hãng dù để biết được thông tin này, nhằm tối ưu hoá hiệu năng cánh dù của bạn. Một số hãng dù thường có dải cân của dù cấp thấp (EN-A) khá rộng, nhằm phục vụ nhiều đối tượng cân nặng khác nhau. Với các dù EN-A phục vụ cho việc tập luyện này, cũng không nên khắt khe quá về việc lựa chọn dải cân, chỉ cần lưu ý take-off weight nằm trong dải cân cho phép của dù, cũng như lưu ý nếu hay bay gió to, thì cần bay gần cận trên.


Khi đã xác định được loại dù, cấp dù, size dù của mình, giờ là lúc chúng ta tham khảo thông tin dù và tìm mua dù.

- Chọn hãng dù nào: Với các dù cấp thấp, độ an toàn cao, các hãng dù không có sự khác biệt nhiều, hãy chọn cánh dù mà bạn cảm thấy đẹp, hoặc phù hợp túi tiền, hoặc cảm thấy thích. Nếu có người quen sở hữu cánh dù tương tự, bạn có thể mượn bay thử để xem cảm giác lái của dù có phù hợp với mình không. Các hãng dù nổi tiếng và có dealership tại Việt Nam (đồng nghĩa với việc bạn có thể mua dù với giá tốt): Triple Seven, Nova, Icaro, ITV, Flow, SupAir, Sky Country, MacPara, Niviuk, BGD, UTurn, Sky, Ozone, Skywalk, AirDesign, Gin, Advance, Swing.

- Mua dù cũ: Bạn có thể tìm mua tại website có uy tín DHV (https://www.dhv.de/db3/gebrauchtmarkt/), tại đây các user muốn đăng bán dù phải là thành viên được đăng ký của DHV (Hiệp hội dù lượn và hanggliding của Đức), hoặc Facebook GGZ: https://www.facebook.com/groups/ggzmarkt/, Facebook GGZ Việt: https://www.facebook.com/groups/ChoDuGGZViet/. Nếu mua dù cũ, hãy hỏi chủ dù về độ lọt khí (porosity value), thời gian bay của dù. Độ lọt khí chấp nhận được của dù vào khoảng 200 giây, thời gian sử dụng của 1 cánh dù khoảng 300 giờ bay. Nếu mua dù mới chúng ta không phải lăn tăn về điều này, tôi đã từng đo lọt khí một cánh dù mới và nó vào khoảng 4500 giây. Các cánh dù cũ quá 10 năm cũng không nên mua, công nghệ hiện nay tiến rất nhanh và các dù lỗi thời này sẽ không thể bằng các dù thiết kế mới hơn nếu so về performance cũng như độ an toàn.

- Xem thông tin dù ở đâu: Ngoài website của các hãng dù, các bạn có thể xem tại website para2000.org nơi chứa thông tin của đa số các loại dù có trên thị trường thế giới từ xưa tới nay.

- Chuyển tiền sang và chuyển dù về thế nào: Với dù mới, dealer sẽ lo mọi chuyện cho bạn, thường thì nếu hàng có sẵn thì khoảng 2-3 tuần dù sẽ về đến tay người mua. Với dù cũ, bạn có thể chuyển tiền qua paypal cho người bán (nhớ thoả thuận phí), chuyển qua các dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài hoặc nhờ người quen tại nước ngoài để chuyển. Việc chuyển dù về hơi phức tạp do dù là mặt hàng nhập khẩu yêu cầu giấy phép tại Việt Nam, bạn có thể gặp rắc rối với hải quan và bị cấm nhập khẩu dù.

- Công nghệ trên các cánh dù: các dù cấp thấp đa số đều sử dụng một số công nghệ tương tự nhau, hãy xem thông tin của dù trên website các hãng hoặc liên hệ với các dealer để biết thêm chi tiết về cánh dù mà mình quan tâm.


Kết luận: Mua một cánh dù an toàn: đúng size, đúng cấp độ là điều quan trọng nhất với các phi công mới. Sau khi đã lựa chọn được một cánh dù mình muốn mua, hãy hỏi ý kiến tư vấn của HLV hoặc các phi công có kinh nghiệm trước khi quyết định xuống tiền nhé.


Dũng Bim

댓글


댓글 작성이 차단되었습니다.
bottom of page