top of page

Hướng dẫn chọn mua dù phụ

Dù phụ là cần thiết cho phi công dù lượn. Tại các sự kiện nếu không có dù phụ chắc chắn bạn sẽ không được bay. Dù phụ với giá chỉ bằng 10% bộ dù lượn, nhưng có thể trả lại cho bạn 100% mạng sống nếu có vấn đề xảy ra.



- Các loại dù phụ: Bài viết chi tiết về việc chọn dù phụ: https://flybubble.com/blog/choose-the-right-reserve-parachute. Có các loại dù phụ phổ biến sau: PDA (tròn), Square (vuông), Square - round (vuông-tròn), Pentagon (Ngũ giác), Rogallo (tam giác), Ram-air (Có hệ thống ngắt dù chính tự động sau khi ném dù phụ, tránh việc dù chính vướng vào dù phụ gây mất tác dụng). Giá dù phụ tăng dần theo loại dù phụ (rẻ nhất là dù tròn, đắt nhất là dù tam giác).

- Sự khác biệt về tốc độ mở: dù vuông mở nhanh hơn dù tròn; dù vuông-tròn mở nhanh hơn dù vuông; dù tam giác mở nhanh hơn dù vuông-tròn. Ngoài ra các loại dù phụ tròn có thêm cửa gió hoặc thiết kế đặc biệt để mở sẽ mở nhanh hơn dù phụ tròn thông thường.

- Sự khác biệt về tốc độ rơi: dù tam giác tốc độ rơi tốt hơn (3,3 m/s so với 5m/s của các loại dù khác), dù tam giác có thể tiến và lái được, giúp giảm vận tốc khi tiếp đất. Có 2 loại chứng chỉ để đánh giá tốc độ rơi của dù. Chứng chỉ EN cấp cho các dù có tốc độ mở dưới 5s, tốc độ rơi dưới 5.5m/s, chứng chỉ LTF cấp cho các dù có tốc độ rơi dưới 6.8m/s.

- Dù phụ lái được: Các dù phụ theo kiểu truyền thống không lái được, sau khi tung dù phụ phi công sẽ rơi thẳng xuống và dạt theo gió. Các dù phụ sau này như dù tam giác hoặc dòng dù Diamond Cross của Charly có dây lái để điều khiển được, tuy nhiên việc thu dù chính sau đó tìm dây lái và lái sẽ mất thời gian và gây vướng víu.

- Kích cỡ dù phụ: Tính theo tổng số kg chất tải của dù phụ (bằng cân nặng phi công + tổng cân nặng thiết bị bay). Mỗi loại dù phụ sẽ có size tương ứng với số kg. Nếu vượt quá size này, dù sẽ rơi nhanh hơn bình thường. Thường thì dù phụ size nhỏ sẽ rẻ hơn size to (do sản xuất tốn ít vải hơn). Ảnh dưới là thông số của dù phụ AirVuisa Snowflake cho các size 90, 105, 125, 150 (tương ứng với con số chịu tải tối đa max load). Chúng ta có thể thấy dù phụ chịu tải càng lớn thì càng nặng, diện tích càng to. Thông số sink rate cho biết tốc độ rơi khi chịu tải tối đa. Cơ bản thì nên chọn dù phụ có tải trọng lớn hơn take-off weight khoảng 10% tới 25%.


- Chất liệu: có 2 loại dù phụ nhẹ và dù phụ thường, dù phụ nhẹ sẽ gọn nhẹ tuy nhiên đắt tiền hơn loại thường. Cân nặng trung bình của dù phụ (loại thường) hiện nay vào khoảng 1.3 - 1.5 kg.

- Cũ vs mới: Dù phụ có hạn sử dụng 10 năm (theo tiêu chuẩn châu Âu). Trước đây các phi công ở Việt Nam hay mua dù phụ cũ với giá khoảng 200E là được 1 dù phụ khoảng 5 năm tuổi và có thể sử dụng thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên hiện nay giá dù phụ mới ở Việt Nam chỉ đắt hơn 1 chút (6-7 triệu/1 dù phụ mới), do đó việc mua dù phụ cũ hiện nay không còn nhiều.

- Dễ bảo trì, gấp lại: Dù tròn và dù vuông là dễ gấp nhất và phổ biến nhất tại Việt Nam. Dù rogallo là loại phức tạp và khó gấp nhất, yêu cầu người gấp phải có kinh nghiệm. Các loại dù lai như tròn vuông hoặc ngũ giác gấp cũng khá giống dù tròn, dù vuông.

- Các loại dù phụ tốt có dealer tại Việt Nam: Đa số các hãng dù đều có bán dù phụ, bạn có thể liên hệ với dealer các hãng dù để mua. Mẫu dù phụ phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là dù phụ tròn của AirVuisa (do giá rẻ, tuy nhiên đây là mẫu dù chỉ đạt chuẩn LTF, không đạt chuẩn EN).

Kết luận: Nếu bạn là phi công mới, hãy chọn một chiếc dù phụ đạt chuẩn EN, vừa cân, không quá nặng và giá cả phù hợp với ngân sách của mình. Nếu có thể hãy mua dù phụ vuông hoặc dù vuông - tròn, ngũ giác.



Dũng Bim

bottom of page